####
Viễn thị là một tật liên quan đến khúc xạ ở mắt. Trái ngược với cận thị, người bị viễn thị có thể nhìn bình thường đối với những vật ở cự ly xa, song không nhìn rõ những vật ở cự ly gần. Nhưng nếu viễn thị nặng sẽ nhìn mờ ở cả khoảng cách gần và khoảng cách xa.
Thế nào là viễn thị?
Viễn thị là một tật khúc xạ tương đối phổ biến ở trẻ em.
Tật khúc xạ này thông thường là do trục nhãn cầu ngắn hơn giới hạn bình thường. Người bị viễn thị nặng sẽ nhìn mờ ở cả khoảng cách gần và khoảng cách xa.
Nguyên nhân gây ra viễn thị
Nguyên nhân của viễn thị là trục của nhãn cầu ngắn.
Ở trẻ em mới sinh gần như tất cả mắt đều viễn thị từ 2 đến 3 độ. Khi trẻ lớn lên, chiều dài mắt sẽ lớn dần ra và mắt sẽ hết viễn thị khi tới tuổi trưởng thành. Một số người sự phát triển này không trọn vẹn gây ra viễn thị.
Ngoài ra viễn thị còn do các nguyên khác như: độ cong của giác mạc giảm, chỉ số khúc xạ của thủy tinh thể giảm.
Triệu chứng của viễn thị
Người bị viễn thị, nhìn xa và nhìn gần đều không rõ, mắt luôn luôn mỏi và nhức.
Đối với trẻ 2 – 3 tuổi, đó là viễn thị sinh lý không gây triệu chứng gì khó chịu.
Ở tuổi đi học, trẻ thường hay nhức đầu, nhức mắt sau buổi học, thường đọc sách ở cự ly rất gần do co quắp điều tiết, mắt thường bị đỏ.
Ở người lớn, lúc đầu sẽ gặp khó khăn khi nhìn gần, đọc sách sẽ mau mỏi mắt, nhức mắt, nhức vùng cung mày, khi nhìn xa vẫn thấy rõ nhưng thường phải nheo mắt, nhăn trán. Sau một thời gian nhìn xa cũng thấy mờ.
Biến chứng
Biến chứng thường gặp nhất của viễn thị là lé và nhược thị.
Các trẻ có viễn thị đáng kể thì thường có nguy cơ tiến triển thành lé sau 4 tuổi.
Những trẻ em viễn thị nặng, nếu không được điều chỉnh kính kịp thời sẽ dẫn đến nhược thị, khi đó mắt không thấy được gì và cũng không điều trị được. Do đó nhược thị là 1 biến chứng nguy hiểm của viễn thị, trẻ cần được khám mắt sớm.
Phương pháp điều trị
Hai phương pháp điều trị viễn thị thông thường nhất đó là mang kính gọng hoặc kính tiếp xúc.
Ngày nay phẫu thuật khúc xạ cũng là 1 phương pháp điều trị viễn thị được nhiều người lựa chọn.
ThS. BS. Nguyễn Phú Thiện
Bộ môn Mắt, Đại học Y Dược TP.HCM