Loạn thị tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra những bất tiện, khó khăn trong cuộc sống. Loạn thị có thể được khắc phục bằng cách đeo kính mắt hoặc điều trị khỏi bằng phẫu thuật.
1. Các loại kính điều chỉnh tật loạn thị:
Mục tiêu của điều trị loạn thị là điều chỉnh độ cong không đồng đều gây mờ tầm nhìn. Điều trị bao gồm đeo kính để hiệu chỉnh và trải qua phẫu thuật khúc xạ. Điều chỉnh bằng kính có các loại sau:
+ Kính gọng: là một phương pháp điều chỉnh thị lực phổ biến nhất. Kính gọng phù hợp với một số người, nhưng đối với một số người khác thì nó là rào cản trong công việc, hoạt động thể thao, thẩm mỹ.
+ Kính áp tròng: Kính áp tròng khắc phục được nhược điểm của kính gọng và giải quyết được vấn đề thẩm mỹ. Tuy nhiên, việc mang kính áp tròng có khả năng gây ra viêm nhiễm giác mạc, dị ứng, sẹo giác mạc. Do vậy mà người mang kính áp tròng cần phải được các bác sĩ chuyên khoa mắt tư vấn và tuyệt đối tuân theo những hướng dẫn sử dụng, vệ sinh kính. Ngoài ra, điều chỉnh loạn thị bằng kính áp tròng cần sự đo khám và hướng dẫn kỹ lưỡng của bác sĩ chuyên khoa.
2. Phẫu thuật khúc xạ:
Với người cận, loạn thị thì có thể dễ dàng điều chỉnh bằng đeo kính. Tuy nhiên nếu cảm thấy bất tiện, không đảm bảo với yêu cầu công việc và vì lý do thẩm mỹ, trẻ có thể được can thiệp bằng phẫu thuật.
Phương pháp phẫu thuật bằng LASIK, PHACO hoặc phương pháp SMILE sẽ sửa chữa vấn đề cận, loạn thị bằng cách tạo lại hình dáng bề mặt của mắt, điều chỉnh mắt cận thị, loạn thị về mức chính thị (không cận, không loạn). Tuy nhiên, chi phí có một ca phẫu thuật khá cao và bệnh nhân cần hội đủ các điều kiện sau:
– Phải từ 18 tuổi trở lên.
– Độ cận phải ổn định ít nhất 6 tháng đến một năm gần nhất.
– Không đang mang thai, không đang cho con bú.
– Không có bệnh lý nào đang tiến triển tại mắt.